Từ một ước mơ lớn lao, ông Tạ Minh Vang và đội ngũ CEH đã tạo ra sản phẩm “Make in Vietnam” để xuất khẩu ra nước ngoài, sau khi đã góp phần giải quyết “bài toán” cảng biển số của Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn, cạnh tranh với sản phẩm “ngoại”
Ông Tạ Minh Vang, Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ CEH, chia sẻ về duyên nợ của mình với lĩnh vực chuyển đổi số cảng biển. Ông nhớ lại năm 2009, khi ông còn tham gia điều hành Diễn đàn bảo mật CEH.vn: “Chúng tôi được tiếp xúc với một phần mềm điều hành quản lý cảng (terminal operation system – TOS) có giá hàng triệu đô-la, đã được triển khai ở nhiều cảng biển trên thế giới. Ban đầu chỉ là sự tò mò vì giá trị bản quyền quá cao, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn thì chúng tôi tự hỏi: Tại sao dân công nghệ Việt Nam không thể làm được?”.
Không có nhiều kiến thức về hoạt động nghiệp vụ khai thác cảng biển, năm 2015, ông Vang và một số bạn bè xin vào làm nhân viên IT tại một cảng biển mới ở Thành phố Hồ Chí Minh để học hỏi dần dần kinh nghiệm thực tế.
Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị em làm việc tại cảng, ông Vang và các cộng sự có điều kiện nghiên cứu sâu về giải pháp TOS, và các tính năng mở rộng hỗ trợ khai thác cảng, ứng dụng công nghệ cao vào tự động hóa giám sát quản lý như trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng ký tự quang học (OCR), phát triển nền tảng giao dịch trực tuyến… Mọi việc diễn ra tự nhiên trong mối quan hệ gắn kết của những người “cùng chung chí hướng”.
Logistics là một trong những lĩnh vực “đi chậm” nhất trong chuyển đổi số ở Việt Nam vì có rất nhiều rào cản. Với ngành cảng biển, rào cản lớn nhất là các cấp quản lý sợ thay đổi, lo ngại rủi ro khi vận hành hệ thống, trong khi đơn vị/tổ chức thiếu nhân sự có kỹ năng công nghệ.
Hầu hết các cảng biển ở Việt Nam dùng sản phẩm/giải pháp của nước ngoài như Catos (Hàn Quốc), Navis (Mỹ), TOPS (Úc)… với chi phí cao, quy trình nâng cấp, bảo trì, vận hành phức tạp, yêu cầu nhiều nhân lực công nghệ cao, lại khó tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Đôi khi hoạt động đầu tư không hiệu quả như kỳ vọng. Thậm chí có những đơn vị phải quay lại quy trình giấy tờ thủ công truyền thống khi hệ thống giải pháp công nghệ gặp sự cố.
Với tầm nhìn “Khẳng định trí tuệ Việt Nam, đưa công nghệ vào hoạt động khai thác, nâng tầm thương hiệu cảng”, đội ngũ CEH nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) với hy vọng sẽ tạo ra được một sản phẩm lớn có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Giám đốc CEH được nhiều người bạn, anh chị trong ngành logistics, ngân hàng… ủng hộ về kiến thức, thời gian, thậm chí cả kinh phí. Đôi khi cũng gặp khó khăn về tài chính, nhân sự, nhưng rồi mỗi anh em hy sinh một chút, và đã cùng nhau vượt qua.
“Thách thức lớn xuất hiện khi ra đời phiên bản đầu tiên của Giải pháp chuyên biệt về khai thác cảng VTOS. Với ít kinh nghiệm kinh doanh, chúng tôi làm tài liệu, giới thiệu sản phẩm, và liên hệ vài nơi để chào hàng. Nhưng các doanh nghiệp cảng biển từ chối không tiếp tục, vì trong mắt họ, dù giá rất rẻ, nhưng với kinh nghiệm bằng 0, VTOS có quá nhiều rủi ro khi áp dụng cho hoạt động khai thác, điều hành cảng. Gần 1 năm chào hàng không thành công, tài chính cũng kiệt quệ, vài người vì mưu sinh phải đi làm việc mới. Còn lại 4 anh em, ngồi cà phê góc đường, chúng tôi nhìn nhau băn khoăn: Rồi làm sao bán, bán cho ai? Có nên tiếp tục hay không?”, ông Vang kể lại.
“CEH bất ngờ khi có được khách hàng đầu tiên”, ông Vang tiếp tục kể: “Lúc đó, Hệ thống TOS của Cảng Container quốc tế SP-ITC (ở Thành phố Hồ Chí Minh) hay bị đứng khi có 2 tàu cùng đến hoặc lúc các phương tiện, thiết bị vận hành hết công suất. Điều này không đảm bảo các tiêu chí của hãng tàu quốc tế và quy trình tích hợp Hải quan điện tử của Tổng cục Hải quan. Thấy đây là cơ hội cho VTOS, chúng tôi liên hệ Ban Giám đốc Cảng xin được trình bày và thử nghiệm. Sau khi có kết quả tốt, tháng 9/2019, Container quốc tế SP-ITC đã chính thức sử dụng VTOS”.
Sau khoảng 4 năm, cho đến bây giờ, sản phẩm VTOS với thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế đã chiếm lĩnh thị trường trong nước, dần thay thế các TOS do nước ngoài cung cấp, góp phần giải “bài toán” khó về chuyển đổi số cảng biển của Việt Nam.
Ứng dụng những công nghệ mới nhất cho sản phẩm “Make in Vietnam”
Theo Giám đốc Tạ Minh Vang, từ những ngày đầu, CEH đã quyết tâm theo hướng sản phẩm “Make in Vietnam”, dù từng bị khách hàng từ chối chỉ vì họ thích hàng “ngoại” hơn hàng Việt.
“Từ bỏ không ít cơ hội mở doanh nghiệp ở Mỹ, chúng tôi luôn tin tưởng vào trí tuệ Việt, vào một ngày mai công nghệ Việt khẳng định thương hiệu, lá cờ Tổ quốc sẽ hiện diện khắp nơi trên thế giới”, ông Vang nhấn mạnh.
Dám mơ, dám làm với trí tuệ và khát vọng lớn, CEH đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động R&D, trong đó chú trọng vào nguồn nhân lực R&D; lắng nghe nhu cầu từ người dùng, phát triển những sản phẩm phù hợp với con người và văn hóa Việt.
Các sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” của CEH đều liên tục được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới nhất.
CEH là đơn vị tiên phong ứng dụng AI vào tự động hóa xác thực giao nhận cảng. Sau khi hệ thống OCR nhận diện số xe, số rơ-mooc, số niêm chì hải quan, căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng kiểm, giấy đăng ký xe, rồi đối chiếu lệnh giao hàng điện tử (EDO), lệnh nâng hạ, thông tin hàng hóa, tích hợp dữ liệu thông quan hải quan, thì hệ thống ứng dụng AI sẽ ra quyết định cho hàng hóa ra/vào cảng.
Các giải pháp như Kho CFS, Bãi container, Giám sát Salan, Sửa chữa container rỗng, EDI System… đều dùng IoT để quản lý và tối ưu hoạt động khai thác. Dữ liệu được tích hợp trên nền tảng điện toán đám mây (cloud) theo kiến trúc dữ liệu lớn (big data).
Quá trình nghiên cứu và triển khai công nghệ mới của CEH có nhiều thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ từ các đối tác như Gemadept, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Hải quan… Các kỹ sư trẻ của Việt Nam nắm rất vững công nghệ, thành thạo trong quá trình huấn luyện (training), tích hợp AI vào phần mềm một cách nhanh chóng.
Hiện danh mục sản phẩm chủ lực của CEH khá đa dạng, với: Phần mềm điều hành quản lý khai thác cảng VTOS; Phần mềm hải quan điện tử CAS; Phần mềm quản lý kho CFS, kho ngoại quan; Phần mềm quản lý tài sản và phương tiện cảng; Ứng dụng trực tuyến Eport/Smartport; Ứng dụng gọi xe (tương tự mô hình Grab, Uber)…
Sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” của CEH có nhiều ưu thế nổi bật: Phát triển theo yêu cầu và vận hành thực tế, trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại; Dễ sử dụng, thân thiện với người dùng; Đội ngũ nhân sự hiểu nghiệp vụ chuyên sâu; Thời gian triển khai trong vòng 2 – 5 tuần (nhanh hơn rất nhiều so với mức trung bình 16 – 18 tháng của sản phẩm nước ngoài); Khả năng nâng cấp, tùy biến cao, có chuẩn API để dễ dàng tích hợp và mở rộng với ứng dụng thứ ba; Chi phí triển khai chỉ bằng 10 – 20% sản phẩm nước ngoài…
Dù có nhiều ưu điểm nổi trội như thế, song CEH cũng gặp phải sự thiếu lòng tin của người Việt vào sản phẩm, giải pháp Việt như nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt khác.
“Niềm tin vào sản phẩm “Make in Vietnam” là lực cản lớn nhất khi chúng tôi đàm phán với các khách hàng. Có thể bởi vì trong quá khứ, khi nhắc tới các sản phẩm cơ khí, điện máy, điện tử… thì thương hiệu của các doanh nghiệp từ các nước phát triển đã được ăn sâu vào tâm trí của nhiều người dùng Việt. Tận dụng cơ hội khách hàng đầu tiên, CEH đã triển khai chuyên nghiệp, tích cực nâng cấp tính năng mới, góp phần nâng cao năng suất và giá trị cho cảng. Qua đó dần tạo lòng tin của các doanh nghiệp cảng biển trong nước”, ông Vang cho biết.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Tới nay, đã có 23 cảng biển, ICD (cảng cạn), kho hàng (depot) sử dụng giải pháp của CEH, thu được nhiều kết quả khả quan.
Điển hình như tại Cảng Container quốc tế SP-ITC, các giải pháp “Make in Vietnam” của CEH đã chuyển đổi số 100% tác nghiệp khai thác vận hành, giảm 70 – 90% nhân sự làm về kế toán, chứng từ, báo cáo, thống kê. Thời gian giao nhận hàng hóa qua cổng từ 10 phút giảm xuống chỉ còn 1 phút. Cùng với đó, các tính năng khác như tối ưu hoạt động khai thác bãi, tàu; trao đổi dữ liệu tự động EDI, EDO với các hãng tàu… đã giúp tăng sản lượng từ 60.000 Teus/năm trong năm 2018 lên 800.000 Teus/năm vào năm 2022. Tháng 7/2023, hãng tàu MSC đã quay lại sử dụng dịch vụ tại cảng này khi bị ấn tượng bởi những thay đổi lớn về công nghệ của Cảng Container quốc tế SP-ITC.
Một trường hợp điển hình nữa là nền tảng Smartport sử dụng tại 11 cảng thuộc Tập đoàn Gemadept. Các tương tác trực tuyến như: Truy vấn thông tin hàng hóa, vận đơn, lịch tàu, làm lệnh nâng hạ, thanh lý hải quan và nhận chứng từ điện tử có giá trị pháp lý… đã giúp quy trình hoạt động trước kia phải trải qua 10 – 12 điểm chạm và nhiều lần di chuyển, giờ chỉ cần 2 – 3 phút để hoàn thành tác nghiệp trực tuyến, mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng.
Hoặc các ứng dụng Gọi xe container, salan, Dùng lại container (Container Re-use), Cược sửa chữa trực tuyến… giúp chủ hàng giảm đến 50% chi phí vận tải, góp phần phát triển kinh tế số Việt Nam.
Đặc biệt, Hệ sinh thái Cảng biển số VSL của CEH kết nối các thành phần trong ngành logistics, hoạt động 24/7, đã giúp các cảng biển Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng tầm quốc tế.
VSL tạo nên một trung tâm điều hành trung gian, xử lý các dịch vụ logistics trực tuyến theo thời gian thực, vận hành trên nền tảng cloud, xác thực định danh từng đối tượng tham gia, phát hành chứng từ điện tử có giá trị pháp lý, tích hợp dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ. VSL hoạt động dựa trên kho dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu có chọn lọc với các cơ quan quản lý nhà nước. Các đối tượng thành phần trong hệ sinh thái này gồm: Cảng biển/cảng cạn/kho hàng; hãng tàu; công ty vận tải bộ/vận tải thủy; cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, cảng vụ, biên phòng…); ngân hàng; hãng bảo hiểm.