Trình bày trước Tổng Bí Thư Tô Lâm, Bộ Chính Trị – Tham luận với chủ đề “Xây dựng nền tảng công nghệ cảng biển số thuần Việt”

Chủ tịch HĐQT công ty CEH Tạ Minh Vang.

Việt Nam có khoảng 170 cảng container, phân bổ tại 25 địa phương và trải dài trên 3.200km bờ biển, đặc thù xử lý khối lượng hàng hóa ra vào cảng rất lớn. Từ lâu, các doanh nghiệp có mức độ quan tâm đặc biệt đến ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, khai thác cảng. Trước đây, chưa có giải pháp nội địa, các cảng biển Việt Nam phải mua sản phẩm nước ngoài với giá cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vẫn còn tồn tại hạn chế, hầu như liên quan đến phụ thuộc công nghệ nước ngoài. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu rất khó khăn, đặc biệt là nâng cấp, đào tạo nhân viên CNTT Việt Nam.

Nhận ra điều này, khoảng hơn 11 năm qua, công ty CEH kiên trì, bền bỉ phát triển nền tảng cảng biển số Make in Viet Nam. Chúng ta có đầy đủ tính năng, tiện ích để vận hành toàn trình. Chúng tôi đã đạt được những kết quả tích cực.

Thứ nhất, những giao dịch trước đây, khi sử dụng phần mềm nước ngoài, cần 12 điểm chạm để hoàn thành dịch vụ. Với ứng dụng Make in Viet Nam, chỉ cần 1 điểm chạm và thời gian chỉ cần 2 đến 3 phút. Nếu so với Singapore, nơi có trình độ cảng thông minh phát triển, thời gian của chúng ta tương đương.

Thứ hai, nền tảng CEH đã kết nối với 35 đơn vị cảng biển, hơn 100 hãng tàu khắp thế giới, gần 2.000 doanh nghiệp vận tải nội địa, 45.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hình thành kho dữ liệu tập trung để cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả; phát triển mô hình kinh doanh mới như ứng dụng dữ liệu số trong gọi xe, sà lan theo mô hình kinh tế chia sẻ giống Grab, Uber, giúp chủ hàng đặt ngay được và giúp tài xế có thể nhận chuyến xe chiều về.

Thứ ba, chi phí đầu tư của một sản phẩm Việt Nam chỉ bằng từ 10-20% so với các nhà cung cấp nước ngoài. Đặc biệt, hướng đến bức tranh lớn hơn, nền tảng cảng biển số hình thành vào bức tranh tổng thể cảng biển Việt Nam. Đây là điều kiện hình thành cơ sở dữ liệu cảng Việt Nam, tích hợp chia sẻ cho cơ quan Nhà nước, phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ để theo dõi, giám sát từng container từ lúc đi vào lãnh hải Việt Nam, cho đến khi vào cảng và ra khu công nghiệp, trung tâm phân phối. Tôi tự tin giải quyết được bài toán này, thậm chí mang giải pháp công nghệ Việt Nam ra thế giới. Đến hôm nay, với sự phối hợp của tập đoàn GMD, chúng tôi đã có kế hoạch xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á.

Chặng đường của CEH hết sức chông gai, một trong số đó là vượt qua định kiến, e ngại của các doanh nghiệp vận tải với sản phẩm trong nước; tính năng và tiện ích đòi hỏi khắt khe về bảo mật và an toàn thông tin. Có những lúc, chúng tôi tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng cách đây 3 năm đã tìm đến Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và được Bộ TT&TT đưa đi gặp gỡ các đơn vị, các ngành khác để phát triển các tính năng đáp ứng được yêu cầu pháp luật.

Chính cơ quan quản lý Nhà nước đã đồng hành, giúp chúng tôi vượt qua những định kiến đó và trở thành đối tác công nghệ đáng tin cậy của các doanh nghiệp cảng. Chúng tôi chứng minh được rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm chủ sản phẩm và phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và vươn ra thế giới.

Tôi xin cảm ơn Bộ TT&TT và Bộ Giao thông vận tải đã luôn tin tưởng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.